Có bao giờ Quý vị để ý vì sao những cổ phiếu lãi mỗi năm vài ngàn tỷ như Đất Xanh (DXG), Vingroup (VIC), Hoà Bình (HBC), Vincom Retail (VRE), Petrolimex (PLX) nhưng giá cổ phiếu thì cứ lèo tèo năm này qua năm nọ mãi không tăng. Nhiều mã như HBC nếu Nhà đầu tư mua phải những thời điểm “thị trường hưng phấn” thì đến năm 2027 cũng chưa chắc “về bờ”.
Vì sao lợi nhuận thì cứ tăng đều mà giá cổ phiếu mãi không tăng?
Câu trả lời đó chính là: Quý vị hãy chú ý đến chỉ số ROIC – Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư. Hãy chú ý đến chỉ số quan trọng này để xem các cổ phiếu bên trên hay những mã mà Quý vị dự định sở hữu có đáng mua hay không nhé.
Minh hoạ ví dụ sau sẽ giúp Quý vị hiểu rõ về giá trị của ROIC:
Công ty A và công ty B cùng kinh doanh mặt hàng điện thoại di động. Mức vốn chủ sở hữu bỏ ra của A là 10 tỷ, còn của B là 20 tỷ. Mức lợi nhuận mà A hàng năm tạo ra là 300 triệu và của B là 400 triệu. A và B có địa điểm kinh doanh ở gần tương tự như nhau và xem như các điều kiện kinh doanh khác không mấy khác biệt. Như vậy nếu A và B phát hành cổ phiếu thì theo Quý vị sẽ chọn đầu tư vào công ty nào?
Thoạt nhìn thì hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của A là 30%/năm (300 triệu chia cho 10 tỷ), cao hơn nhiều so với ROE (B) là 20%/năm (400 triệu chia cho 20 tỷ). Thật dễ dàng để Quý vị sẽ chọn đầu tư vào A vì công ty này hoạt động hiệu quả hơn nhiều với tỷ suất ROE lên đến 30%. Song trong kinh doanh thì các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đa phần đều sử dụng Đòn bẫy tài chính (vốn đi vay mượn) nên nếu xét kỹ lại thì trường hợp này sẽ thấy công ty A vay ngân hàng 20 tỷ, còn B thì hoàn toàn kinh doanh trên vốn tự có là 20 tỷ mà thôi. Như vậy ở trường hợp này sử dụng chỉ số Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) không còn hợp lý nữa thay vào đó Quý vị phải tính đến chỉ số ROIC (tính cả vốn vay).
Lúc này ROIC của A là 10%/năm (300 triệu chia cho 10 tỷ vốn cộng 20 tỷ nợ vay), còn của ROIC của B thì vẫn là 20%/năm. Như vậy cả 2 doanh nghiệp đều kinh doanh điện thoại, đều có những điều kiện kinh doanh khác giả định là tương đồng nhau song việc công ty A có hiệu suất kinh doanh trên vốn bỏ ra cao hơn B chỉ là bề nổi còn sự thật đằng phía sau nếu tính kèm đòn bẫy tài chính vào thì doanh nghiệp B có tình bền vững và an toàn hơn A nhiều. Chắc hẵn Quý vị đã biết nên lựa chọn cổ phiếu nào rồi đúng không !?
Minh hoạ ví dụ VIC – Tập Đoàn Vingroup (Hose):
Tại Việt Nam tỷ lệ ROIC bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là khoảng 12% và lãi suất gửi ngân hàng bình quân là cơ 6-8%/năm. Do đó tỷ lệ ROIC dành cho một doanh nghiệp xứng đáng để bỏ tiền ra đầu tư phải từ 20% trở lên, nhiều trường hợp cổ phiếu có sự bứt phá mạnh mẽ 300% đến 500% về giá sau 5 năm đòi hỏi mức ROIC lên đến 30%. Và con số này CỰC KỲ ÍT trên sàn Chứng khoán Việt Nam.
Trở lại câu chuyện Vingroup thì Quý vị đã thấy rõ công ty làm ăn “tệ đến mức nào” khi ROIC bình quân 4 năm vừa qua chỉ vỏn vẽn 3%. Tức là còn ít hơn mang tiền đi gửi ngân hàng nữa. Điều này có thể lý giải bởi vì Vingroup đang trong giai đoạn thử nghiệm đầu tư rất nhiều lĩnh vực khác nhau kể đến như: Vinfast, Vinsmart, Xe điện, Điện thoại, TV, Bán lẻ, v.v…. song dưới cặp mắt của một Nhà đầu tư thì tỷ lệ ROIC thấp như vậy là KHÔNG THỂ NÀO CHẤP NHẬN ĐƯỢC. Vì không có cơ hội rõ rệt nào hứa hẹn giá cổ phiếu sẽ có thể tăng cao.
Ngoài VIC ra thì Quý vị Nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự tính toán ROIC cho các mã khác như Đất Xanh – DXG, FLC, Hoàng Anh Gia Lai – HAG, HNG, FIT, HBC, ITA, HQC thì cũng sẽ cho ra kết quả gần như tương tự. ROIC thấp là một dấu hiệu hết sức quan trọng để đánh giá một cổ phiếu có thể tăng giá dài hạn cho chặng đường 5 đến 10 năm hay không.
Lấy minh hoạ ví dụ cổ phiếu DHC – Đông Hải Bến Tre (Hose):
Việc giá Đông Hải Bến Tre – DHC giảm hiện tại (tháng 6/2022) chỉ là nhất thời nếu xét chu kỳ từ 2013 cho đến 6/2022 thì cổ phiếu vẫn đạt mức tăng giá lên đến 2.500%. Quý vị nghe không lầm đâu đó là xấp xỉ 25 lần tăng gấp đôi cho tài khoản.
Vậy thử xem ROIC của Đông Hải Bến Tre – DHC như thế nào?
Để đánh giá hợp lý DHC thì chúng ta cần chia ra 2 giai đoạn là từ 2012 đến 2016 và từ 2017 đến 2022. Ở giai đoạn đầu công ty duy trì ROIC bình quân khá ấn tượng là quanh 18% đến 25% cho đến 2017 bị sụt giảm là do công ty phải vay thêm Nợ dài hạn để xây thêm Nhà máy giấy Giao Long 2 nâng công suất lên 2,5 lần. Do gánh thêm nợ trong khi đó nhà máy đến 2019 mới đi vào hoạt động nên ROIC từ 2017 đến 2019 duy trì ở mức ổn định 10%. Và từ giai đoạn 2019 đến 2022 thì ROIC lại tiếp tục tăng trưởng ấn tượng lên lại mốc gần 25% nhờ vào tình hình kinh doanh khả quan, quản lý chi phí tốt và công ty đã TRẢ DẦN NỢ VAY DÀI HẠN cho đến năm 2022 đã về 0.
Dĩ nhiên chỉ một chỉ số ROIC sẽ không nói hết được những ưu điểm cũng như khuyết điểm để đánh giá một cổ phiếu như Đông Hải Bến Tre là có nên đầu tư hay không, song với Khải Nguyễn thì đây là chỉ số đơn giản song vô cùng quan trọng mà Nhà đầu tư thường hay bỏ qua. Nhất là những người chạy theo những con sóng ngắn hạn T+3, T+10 – những người chỉ tập trung vào những mã xanh đỏ tím vàng mà quên đi chân giá trị thực sự của doanh nghiệp nằm ở đâu sẽ rất dễ bị cuốn theo và đánh rơi dần hiệu quả.
Tóm lại
Vừa rồi Khải Nguyễn giới thiệu một góc về phân tích chỉ số ROIC để tìm ra các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thật sự. Khải Nguyễn tin các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có sản phẩm chất lượng, có ban lãnh đạo uy tín và toàn tâm sẽ luôn đi lên và phát triển, từ đó giá cổ phiếu cũng sẽ tăng theo. Và Khải Nguyễn tin rằng những nhà đầu tư nào đủ kiên nhẫn, biết đặt niềm tin đúng chỗ sẽ luôn nhận được giá trị tăng trưởng bền vững trong dài lâu.
—————-
Đăng Ký Lên Kế Hoạch Đầu Tư Cùng Khai Nguyen Investment tại đây: